Gân gót chân là dải gân lớn ở mặt sau của mắt cá chân, giúp kết nối các cơ bắp chân với xương gót chân. Các cơ này có vai trò quan trọng trong việc đi lại, chạy và bật nhảy. Gân gót chân chịu lực căng lớn trong cuộc sống thường ngày. Viêm gân gót chân xảy ra khi các cơ và gân bị quá tải, gây kích ứng và viêm gân.
Có 2 loại viêm gân gót chân:
- Viêm điểm bám gân gót chân, ảnh hưởng đến phần dưới của gân, nơi gân bám vào gót chân. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
- Viêm đoạn giữa gân gót chân, ảnh hưởng đến phần giữa của gân, khiến vùng này bị sưng và dày lên. Tình trạng này thường gặp nhất ở những người trẻ tuổi hoạt động nhiều
Tình trạng cứng lại (vôi hóa) của các sợi gân bị tổn thương có thể xảy ra ở cả hai loại viêm gân gót chân.
Viêm gân gót chân thường gây ra do áp lực liên tục đè nén lên vùng bị ảnh hưởng, thường do những cử động lặp đi lặp lại khi chơi thể thao hoặc trong các hoạt động giải trí như chạy, bật nhảy hoặc thậm chí do sự thay đổi cường độ hoạt động đột ngột. Việc giãn cơ hoặc khởi động không kỹ trước khi tập thể dục hoặc chơi thể thao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Các tình trạng khác như viêm gân cũng có thể gây kích ứng gân gót chân.
Các triệu chứng thường gặp của viêm gân gót chân bao gồm đau hoặc sưng ở mặt sau gót chân, không thể gập mắt cá chân, khó chịu khi đi lại, sưng bắp chân, biến dạng khớp, đau vùng mắt cá chân cũng như các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, đỏ da hoặc cảm giác nóng.
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng trên, hãy tham vấn bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp. Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với nhu cầu sinh hoạt của bạn. Tìm hiểu thêm về các phương pháp điều trị và dịch vụ phục hồi chức năng sau chấn thương thể thao hiện có.