Hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể gây ra nhiều biến chứng, nhưng đều không đe dọa tính mạng. IBS không dẫn đến ung thư hay các tình trạng nghiêm trọng khác liên quan đến ruột. Các biến chứng của IBS bao gồm:
Hạn chế tham gia hoạt động xã hội
IBS có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc, khiến người bệnh bị hạn chế tham gia hoạt động tập thể vì nhiều lý do như:
- IBS có thể bùng phát bất kỳ lúc nào
- Bị tiêu chảy hoặc táo bón
- Cần đi khám bác sĩ thường xuyên, do đó phải xin nghỉ phép nhiều
- Khó tập trung khi làm việc
Trầm cảm và lo âu
Người mắc IBS thường có cảm giác đang bị mất kiểm soát trong cuộc sống, và thường xuyên lo lắng không biết khi nào nhu cầu đại tiện sẽ ập đến. Trạng thái căng thẳng này có thể khiến IBS trở nên trầm trọng hơn (do dây thần kinh nối giữa não và ruột). Cơn đau và các triệu chứng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn.
Suy dinh dưỡng
Hạn chế hoặc không dùng một số loại thực phẩm có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng của IBS. Tuy nhiên, cơ thể bạn có thể không được cung cấp đầy đủ các chất cần thiết, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Bệnh trĩ
Các mạch máu bị sưng quanh hậu môn có thể đau hoặc chảy máu. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn nếu phân của bạn rất rắn hoặc rất lỏng. Các mạch máu bị sưng nằm bên trong hậu môn có thể bị sa ra ngoài, gây bệnh trĩ. Nếu bạn đã bị trĩ, bệnh trĩ có thể diễn biến nặng hơn.
Biến chứng thai kỳ
Sự thay đổi hoóc-môn và áp lực của thai nhi lên thành ruột có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa. Nhiều phụ nữ đã lựa chọn ngừng các loại thuốc IBS đang dùng để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Tuy nhiên, điều này có thể tăng nguy cơ mẹ bầu bị ợ nóng và khó tiêu.
Ứ phân
Sau thời gian dài bị táo bón, phân có thể bị tắc trong đại tràng và rất khó đẩy ra ngoài. Tình trạng này được gọi là ứ phân, thường gặp ở người cao tuổi. Ứ phân gây đau đớn, đau đầu, buồn nôn và nôn.
Không dung nạp thực phẩm
Một số thực phẩm có thể khiến triệu chứng IBS trở nên trầm trọng hơn. Nhìn chung, đa số bệnh nhân cảm thấy bệnh tình thuyên giảm sau khi ngừng ăn lúa mì, các sản phẩm từ sữa, cà phê, trứng, men bia, khoai tây và trái cây họ cam quýt. Chất béo và đường cũng góp phần khiến tình trạng tiêu chảy diễn biến nặng hơn.