Phẫu thuật động kinh là gì?
Phẫu thuật động kinh là phẫu thuật não, tùy thuộc vào loại phẫu thuật, có thể bao gồm:
- Cắt bỏ vùng não gây co giật
- Làm gián đoạn các đường dẫn thần kinh xảy ra động kinh
- Cấy thiết bị để điều trị chứng động kinh
Các loại phẫu thuật động kinh
Có nhiều loại phẫu thuật động kinh. Các loại phẫu thuật này nhắm đến các phần khác nhau của não tùy thuộc vào vị trí của các nơ-ron gây co giật.
Bác sĩ cũng sẽ cân nhắc độ tuổi trước khi khuyến cáo loại phẫu thuật động kinh phù hợp nhất để giải quyết bệnh trạng của bạn.
- Phẫu thuật cắt bỏ, cắt bỏ một phần nhỏ của não. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ mô não khỏi vùng não xảy ra co giật. Đây thường là nơi có khối u, tổn thương não hoặc dị dạng. Kỹ thuật mở sọ thức tỉnh thường được sử dụng để phẫu thuật cắt bỏ.
- Cắt bỏ thùy thái dương, còn được gọi là phẫu thuật cắt thùy thái dương, cắt bỏ một phần thùy thái dương của não. Đây là loại phẫu thuật động kinh phổ biến nhất.
- Kích thích não sâu liên quan đến việc cấy thiết bị vào trong não vĩnh viễn. Thiết bị này sẽ giải phóng tín hiệu điện để làm gián đoạn hoạt động gây co giật bất thường. Máy tạo xung được dùng để gửi xung điện cũng sẽ được cấy vào ngực.
- Phẫu thuật cắt bỏ thể chai loại bỏ một phần não kết nối các dây thần kinh bán cầu phải và trái của não. Phần này được gọi là thể chai. Phẫu thuật này hiệu quả cho bệnh nhân có hoạt động não bất thường lan từ bên này sang bên kia của não.
- Phẫu thuật cắt bỏ bán cầu não cắt bỏ một bán cầu của vỏ não. Phẫu thuật này thường được thực hiện ở trẻ bị co giật nặng.
- Phẫu thuật cắt bỏ bán cầu não chức năng cắt bỏ các dây thần kinh kết nối trong thể chai mà không cắt bỏ các phần thực thể của não.
Tại sao cần phẫu thuật động kinh?
Phẫu thuật động kinh có thể là một phương án khi thuốc không kiểm soát được chứng co giật.
Phẫu thuật cắt bỏ chỉ được lựa chọn khi:
- Bác sĩ có thể xác định rõ vùng não nơi chứng co giật khởi phát
- Vùng não cần cắt bỏ không kiểm soát các chức năng quan trọng như ngôn ngữ, cảm giác hoặc cử động
Động kinh nặng có thể gây biến chứng và nguy cơ sức khỏe như:
- Tổn thương thể chất khi bị co giật
- Chết đuối, nếu co giật xảy ra trong khi tắm hoặc bơi
- Trầm cảm và lo âu
- Chậm phát triển ở trẻ em
- Suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức
- Đột tử
Kết quả dự kiến của hầu hết các ca phẫu thuật động kinh là có thể kiểm soát co giật bằng thuốc.
Ai không nên làm phẫu thuật động kinh?
Bạn không nên làm phẫu thuật động kinh nếu bạn có các vấn đề y tế nghiêm trọng như đang bị ung thư hoặc suy tim.
Các nguy cơ và biến chứng của phẫu thuật động kinh là gì?
Ngoài những rủi ro chung trong phẫu thuật, phẫu thuật động kinh cũng có những rủi ro sau đây:
- Nhiễm trùng và chảy máu
- Suy giảm nhận thức, chẳng hạn như:
- Có vấn đề về trí nhớ và giọng nói
- Mất thị lực
- Mất khả năng phối hợp cử động
- Bị co giật trở lại
- Trầm cảm hoặc thay đổi tính khí khác
- Đau đầu
- Đột quỵ
Mức độ rủi ro phụ thuộc vào loại phẫu thuật và mức độ bệnh của bạn. Bác sĩ sẽ giải thích những nguy cơ cụ thể trong thủ thuật và cách họ dự định thực hiện để giảm nguy cơ biến chứng.
Bạn cần chuẩn bị cho việc phẫu thuật động kinh như thế nào?
Bác sĩ sẽ yêu cầu kiểm tra chuyên sâu trước khi tiến hành phẫu thuật động kinh. Các kiểm tra này sẽ giúp xác định khả năng đủ điều kiện phẫu thuật của bạn, quan sát các hoạt động bất thường trong não và xác định vị trí phẫu thuật.
Một số kiểm tra có thể thực hiện như thủ thuật ngoại trú và một số khác có thể yêu cầu nằm viện.
Các kiểm tra có thể bao gồm:
- Điện não đồ (EEG) ngoài cơn, trong đó các điện cực được đặt trên da đầu để đo hoạt động điện.
- EEG video, EEG liên tục với việc giám sát bằng video để ghi lại những cơn co giật khi xảy ra. Kiểm tra này yêu cầu nằm viện để đội ngũ có thể theo dõi vì bạn cần phải dừng hoặc giảm lượng thuốc hiện tại.
- Giám sát EEG xâm lấn, trong đó các điện cực được đặt trên bề mặt não hoặc sâu hơn bên trong thông qua phẫu thuật. Việc theo dõi EEG thực hiện trong lúc bạn được an thần.
- EEG video với điện cực xâm lấn, trong đó các điện cực được đặt trên bề mặt não hoặc sâu hơn bên trong thông qua phẫu thuật. Đối với loại kiểm tra này, việc theo dõi video và EEG sẽ thực hiện trong khi bạn tỉnh và nằm viện.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI), chẩn đoán hình ảnh để xác định tế bào bị tổn thương, khối u và các bất thường khác gây co giật.
- MRI chức năng, xác định các vùng hoạt động não khi bạn thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như lắng nghe hoặc đọc sách. Điều này giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí điều khiển một số chức năng nhất định.
- Kiểm tra Wada, trong đó thuốc được tiêm để đưa một bên não ngủ tại một thời điểm. Sau đó, bạn sẽ được kiểm tra ngôn ngữ và chức năng trí nhớ. Điều này giúp xác định bên nào của não kiểm soát nhiều hơn khi sử dụng ngôn ngữ của bạn. Kiểm tra Wada cũng có thể cho bác sĩ biết liệu bạn cần tỉnh táo trong một phần phẫu thuật hay không. Kiểm tra này được sử dụng nếu chức năng MRI không phù hợp với bạn.
- Chụp cắt lớp bằng bức xạ positron (PET), sử dụng thiết bị chụp ảnh đặc biệt để đánh giá chức năng não khi không bị co giật. Hình ảnh thường có thể giúp bác sĩ xác định được nguồn cơn gây co giật.
- Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon (SPECT), đo lưu lượng máu trong não khi bị co giật. Lưu lượng máu thường cao hơn ở bộ phận não xảy ra co giật. Kiểm tra này đòi hỏi phải nằm viện.
- Lập bản đồ não, trong đó điện cực nhỏ được đặt trên bề mặt não thông qua phẫu thuật. Sau đó, bạn sẽ được yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trong khi bác sĩ quan sát hoạt động điện của não bạn.
- Các kiểm tra tâm thần kinh để kiểm tra ngôn ngữ và chức năng trí nhớ.
Bạn có thể cần làm gì trong phẫu thuật động kinh?
Hầu hết các thủ thuật phẫu thuật động kinh đều yêu cầu nằm viện trong 3 – 4 đêm.
Thời gian ước tính
Phẫu thuật động kinh có thể kéo dài từ 3 đến 6 giờ.
Trước thủ thuật
Bác sĩ sẽ cạo tóc trên phần hộp sọ sẽ bị cắt trong khi phẫu thuật.
Bạn cũng sẽ được tiêm ống thông tĩnh mạch (IV) để truyền dịch và thuốc gây mê trong quá trình phẫu thuật.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Bạn có thể được kết nối với màn hình EEG để đội ngũ có thể ghi lại và theo dõi sóng não của bạn trong quá trình phẫu thuật.
Thủ thuật này phụ thuộc vào loại phẫu thuật động kinh đang thực hiện.
Trong hầu hết các ca bệnh, bạn sẽ được gây mê toàn thân. Trong phẫu thuật cắt bỏ bằng kỹ thuật mở sọ thức tỉnh, bác sĩ có thể cần đánh thức bạn trong khi phẫu thuật để kiểm tra ngôn ngữ và kỹ năng vận động của bạn. Trong trường hợp này, bạn sẽ được gây tê cục bộ để giúp kiểm soát cơn đau.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra một cửa sổ nhỏ trong hộp sọ (sọ não) để tiếp cận phần liên quan của não. Họ sẽ tiếp tục thực hiện thủ thuật phẫu thuật động kinh đã lên kế hoạch.
Sau thủ thuật
Bạn sẽ được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt để theo dõi sát sao vào đêm đầu tiên, trước khi bạn có thể chuyển đến giường bệnh chung để quan sát thêm.
Khi mới tỉnh dậy, đầu bạn sẽ bị sưng và đau. Hầu hết bệnh nhân đều cần thuốc giảm đau ít nhất là trong vài ngày đầu.
Thời gian chăm sóc và phục hồi cho phẫu thuật động kinh
Có thể bạn sẽ không thể quay lại làm việc hoặc học tập trong 1 - 3 tháng. Bạn nên nghỉ ngơi nhiều trong vài tuần đầu tiên và sau đó tăng dần mức độ hoạt động.
Bạn nên thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bị:
- Sốt
cao
- Đỏ hoặc sưng ở vị trí phẫu thuật
- Máu hoặc dịch khác rỉ ra từ vị trí phẫu thuật
- Nhức đầu nặng
- Buồn nôn hoặc nôn
Bạn sẽ được cấp thuốc để kiểm soát co giật. Nếu bạn không bị co giật trong một năm kế tiếp, bác sĩ có thể cân nhắc bỏ thuốc.
Hầu hết các bệnh nhân bị co giật sau khi bỏ thuốc đều có thể kiểm soát được cơn co giật bằng cách tiếp tục điều trị bằng thuốc.