Xạ phẫu Gamma Knife là gì?
Xạ phẫu Gamma Knife là một dạng xạ trị tập trung chính xác hàng trăm chùm tia laser riêng lẻ vào khối u. Nó thường được sử dụng như một liệu pháp thay thế cho hóa trị, phẫu thuật hoặc các hình thức xạ trị khác để điều trị u não.

Tại sao bạn cần xạ phẫu Gamma Knife?
Xạ phẫu Gamma Knife có thể được sử dụng để điều trị các tình trạng sau:
- U não lành tính
- U não ác tính
- Rối loạn thần kinh, chẳng hạn như đau dây thần kinh sinh ba
- Dị dạng động tĩnh mạch (AVMs), là một tập hợp bất thường của các mạch máu
- U thần kinh thính giác, một khối u không phải ung thư phát triển giữa tai trong và não của bạn.
- U tuyến yên, là các khối u ở đáy não của bạn (tuyến yên)
Tác dụng của xạ phẫu Gamma Knife sẽ không đến ngay lập tức mà là dần dần. Vì các phương pháp điều trị bức xạ được thiết kế để ngăn chặn sự phát triển của khối u hoặc tổn thương, bạn có thể chỉ thấy sự tiến triển trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng.
Bác sĩ của bạn sẽ giữ liên lạc với bạn trong suốt thời gian này. Để theo dõi sự tiến triển của bạn, bạn có thể cần chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp mạch theo dõi.
Ai không nên xạ phẫu Gamma Knife?
Nếu bạn đang mang thai, bạn nên thảo luận với bác sĩ xem có nên tiến hành xạ phẫu Gamma Knife hay không.
Các rủi ro và biến chứng của xạ phẫu Gamma Knife là gì?
Mặc dù có tên là xạ phẫu Gamma Knife nhưng thủ thuật này không liên quan đến việc rạch mổ. Điều này giúp giảm rủi ro, đặc biệt khi so sánh với phẫu thuật thần kinh truyền thống.
Các rủi ro và tác dụng phụ của xạ phẫu Gamma Knife có thể bao gồm:
- Đau đầu
- Buồn nôn và nôn
- Sưng não, có thể xuất hiện khoảng 6 tháng sau phẫu thuật thay vì ngay lập tức
- Da đầu đỏ và bị kích ứng, đặc biệt ở những nơi đội khung cố định đầu trong quá trình thực hiện thủ thuật
- Tê hoặc cảm giác ngứa ran trên da đầu nơi đặt kim phẫu thuật
- Rụng tóc, nếu khối u gần da đầu
- Chảy máu
- Co giật
- Mệt mỏi
Chuẩn bị cho xạ phẫu Gamma Knife như thế nào?
Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách chuẩn bị cho xạ phẫu Gamma Knife. Một số lời khuyên có thể bao gồm:
- Nhịn ăn và uống từ nửa đêm trước khi làm thủ thuật.
- Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi vào ngày làm thủ thuật.
Bạn cũng nên thông báo cho bác sĩ nếu bạn có:
- Các loại thuốc bạn đang dùng, phòng trường hợp chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.
- Dị ứng với động vật có vỏ hoặc i-ốt (nếu có), vì cả hai đều có liên quan về mặt hóa học với thuốc nhuộm có thể được sử dụng trong quá trình làm thủ thuật.
- Thiết bị y tế cấy ghép trong cơ thể, chẳng hạn như máy tạo nhịp tim, van tim nhân tạo, kẹp phình mạch, máy kích thích thần kinh hoặc stent.
- Chứng sợ không gian kín..
Bạn có thể mong đợi điều gì trong xạ phẫu Gamma Knife?
Xạ phẫu Gamma Knife thường liên quan đến thiết bị chuyên dụng và chụp chiếu hình ảnh. Thông thường, chỉ cần gây an thần hoặc gây tê cục bộ. Vì bệnh nhân không phải trải qua phẫu thuật, nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu giảm.
Hầu hết bệnh nhân không cảm thấy đau nhưng có thể cảm thấy hơi khó chịu do thuốc gây tê cục bộ. Khung cố định đầu, được gắn vào bệnh nhân để ngăn chặn bất kỳ cử động đầu nào, cũng có thể gây khó chịu nhẹ.
Thời gian ước tính
Thủ thuật này kéo dài từ 15 phút – 1 giờ hoặc hơn. Tuy nhiên, việc chuẩn bị và lập kế hoạch có thể mất vài giờ cho đội ngũ.
Trước khi làm thủ thuật
Đội ngũ xạ phẫu sẽ gắn một khung nhẹ vào đầu bạn bằng 4 chốt. Bạn sẽ được tiêm thuốc gây tê cục bộ vào những vị trí đặt chốt. Các chốt sẽ được đặt ở mỗi bên trán và phía sau đầu bạn. Khung này giúp cố định đầu bạn trong quá trình xạ trị và đóng vai trò là điểm tham chiếu để tập trung các chùm tia phóng xạ.
Bạn có thể cảm thấy áp lực trong vài phút khi các chốt được siết chặt. Cảm giác này sẽ vẫn còn cho đến khi khung được tháo ra vào cuối toàn bộ thủ thuật.
iếp theo, kỹ thuật viên xạ trị sẽ đo kích thước đầu của bạn. Họ cũng sẽ thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) cho bạn, với khung cố định đầu. Nếu cần, một cây kim nhỏ có thể được đặt ở mu bàn tay hoặc cánh tay của bạn để tiêm thuốc cản quang vào mạch máu. Điều này giúp làm nổi bật khối u và mạch máu và hỗ trợ lập kế hoạch.
Cuối cùng, đội ngũ xạ phẫu sẽ xem xét kết quả chụp não của bạn để xác định:
- Các vùng cần điều trị
- Liều phóng xạ cần sử dụng
- Cách tập trung các chùm tia phóng xạ để điều trị các vùng đó.
Quá trình lập kế hoạch này có thể mất 1 – 2 giờ. Trong thời gian này, bạn có thể thư giãn trong một phòng khác. Khung sẽ vẫn gắn vào đầu bạn.
Trong quá trình làm thủ thuật
Khi đội ngũ đã sẵn sàng bắt đầu điều trị, bạn sẽ nằm trên một chiếc giường trượt vào máy Gamma Knife để phát ra tia phóng xạ. Khung cố định đầu của bạn sẽ được gắn vào một chiếc mũ bảo hiểm bên trong máy.
Bạn sẽ không cảm thấy tia phóng xạ hoặc nghe thấy tiếng ồn từ máy. Sẽ có một micrô cho phép bạn giao tiếp với đội ngũ trong quá trình làm thủ thuật. Đội ngũ cũng sẽ theo dõi bạn chặt chẽ bằng camera từ bên ngoài phòng.
Sau khi làm thủ thuật
Bàn sẽ di chuyển ra khỏi máy, và đội ngũ xạ phẫu sẽ trở lại phòng. Họ sẽ tháo khung cố định đầu cho bạn. Sau khoảng 30 phút, bạn sẽ không còn cảm thấy áp lực từ khung cố định đầu nữa.
Bạn có thể bị chảy máu nhẹ và đau nhức ở các vị trí đặt chốt. Bạn cũng sẽ được cấp thuốc trong trường hợp bạn bị đau đầu, buồn nôn hoặc nôn sau thủ thuật.
Bạn sẽ được theo dõi tại khu vực quan sát trong tối đa một giờ trước khi được xuất viện.
Chăm sóc và phục hồi sau xạ phẫu Gamma Knife
Vào sáng hôm sau khi làm thủ thuật, bạn có thể tháo băng ở các vị trí chốt. Làm sạch các vị trí này hai lần một ngày bằng oxy già hoặc xà phòng nhẹ và nước. Bạn cũng có thể thoa một lượng nhỏ thuốc mỡ kháng sinh lên các vị trí chốt trong 3 – 4 ngày. Để hở các vị trí chốt vì chúng sẽ lành nhanh chóng.
Bạn nên đợi 24 giờ trước khi gội đầu. Việc chờ đợi giúp các vị trí chốt lành lại và ngăn ngừa nhiễm trùng phát triển trong vết thương. Nếu có bất kỳ chảy máu nào, hãy dùng khăn giấy ấn vào vùng đó trong 10 phút.
Gọi cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ điều nào sau đây:
- Các vị trí chốt nóng khi chạm vào.
- Dịch tiết ra từ các vị trí chốt bị đục hoặc có mùi hôi.
- Bạn bị sốt từ 38°C trở lên.
Đến phòng khám cấp cứu nếu bạn gặp bất kỳ điều nào sau đây:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau đầu dữ dội
- Khó nói
- Thay đổi thị lực
- Co giật